Mới đây, PV Thanh Niên ghi nhận tình trạng mỗi buổi sáng có nhiều đoàn xe đạp thể thao ngang nhiên vượt đèn đỏ, lấn làn, lạng lách, dàn hàng ngang trên đường Phạm Văn Đồng (TP.HCM) bất chấp nguy hiểm.
Liên quan vụ việc, trao đổi với PV Thanh Niên sáng 30.10, đại diện Đội CSGT Hàng Xanh cho biết tình trạng các đoàn xe đạp vượt đèn đỏ, lấn làn, lạng lách, dàn hàng ngang trên đường Phạm Văn Đồng đã diễn ra từ lâu. CSGT đã xử lý nhiều trường hợp chạy xe đạp vi phạm giao thông, nhưng khi không có CSGT, tình trạng này lại tái diễn.
Không thể viện cớ
Một cán bộ CSGT thuộc Phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết xe đạp được phép lưu thông vào làn trong cùng, sát vỉa hè trên đường Phạm Văn Đồng. Còn việc xe đạp kéo thành đoàn, dàn hàng 3, hàng 5, chạy tốc độ cao, lấn làn, vượt đèn đỏ là vô cùng nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Nhắc đến lần chứng kiến cảnh đoàn xe đạp thể thao "bất ngờ ào qua khi tôi đang dừng chờ đèn đỏ", bạn đọc (BĐ) Vương Năm bức xúc: "Tình trạng xe đạp dàn hàng ngang thành đoàn vào mỗi buổi sáng ở đâu cũng có, chạy xe không ý thức, bất chấp tính mạng của người đi đường vào sáng sớm. Mong các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý. Không thể lấy lý do tập thể dục mà ngang nhiên vi phạm như vậy được".
Một BĐ đặt câu hỏi: "Chẳng lẽ nhiều người đạp xe thể thao cho rằng mình được ưu tiên? Xe đạp thể thao nằm ngoài chế tài của luật giao thông?". BĐ Minh Nghĩa phân tích: "Không thể nói họ không biết, thế nhưng vẫn vi phạm thì một là vấn đề ý thức, hai là mức xử phạt chưa đủ răn đe".
Theo Nghị định 100/2019, người điều khiển xe đạp đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu nội dung cấm đối với loại phương tiện đang điều khiển, sẽ bị phạt tiền từ 200.000 - 300.000 đồng; người điều khiển xe đạp không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.
Chờ hạ tầng thân thiện hơn với xe đạp
Nhiều BĐ cũng đồng ý rằng khuyến khích người dân sử dụng xe đạp đang là xu hướng chung trên toàn thế giới trong nỗ lực chống ùn tắc giao thông và giảm thiểu phát thải nhà kính. Tuy nhiên, để xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện hơn với xe đạp không phải là điều dễ. Không chỉ là việc mở rộng đường hay chia làn, kẻ vạch, sơn màu..., mà còn cần phải có những giải pháp đồng bộ từ việc cho thuê xe đạp, bãi trông giữ xe và phương tiện kết nối người đi xe đạp với các phương tiện công cộng khác.
BĐ Huynh phân tích: "Để khuyến khích văn hóa đạp xe, điều đầu tiên là phải tạo ra môi trường phù hợp cho người đi xe đạp. Tất nhiên, không ai nói tập thể dục thể thao với xe đạp là sai cả. Sai ở chỗ ai đó phớt lờ các quy định an toàn giao thông". BĐ Tuấn An cho hay: "Trong lúc chờ hạ tầng giao thông trở nên thân thiện hơn với xe đạp, chẳng hạn có làn riêng, thì trước mắt vẫn cần trông mong vào chính ý thức của mỗi người".
* Mức phạt với xe đạp rất nhẹ nên chẳng ai sợ, cho nên xe đạp cứ vi phạm mãi.
Giang
* Phải phạt từ chục triệu đồng trở lên thì mới răn đe được. Vì người chơi xe đạp thể thao như thế có thu nhập cao, nhưng không thể biện minh cho lỗi vô ý thức!
Trường Lưu
* Ủng hộ phạt nặng, thậm chí tịch thu xe luôn, là họ nhớ đời.
Trangle