Công nghiệp ô tô đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam từ đầu thế kỷ 21 đã xây dựng chiến lược với khát vọng có ngành công nghiệp ô tô phát triển, nhưng mục tiêu đó đến nay không thành công. Tuy nhiên, cơ hội “trăm năm có một” lại đang đến, khi thế giới chuyển đổi từ ô tô động cơ đốt trong sang ô tô điện. Đây là cơ hội để Việt Nam viết lại kịch bản cho ngành công nghiệp ô tô và hướng tới quốc gia thịnh vượng vào năm 2045. Dù vậy hình như Việt Nam lại đang chậm chân trong việc đón bắt cơ hội lớn này và câu hỏi “trong quá trình phát triển đất nước, chúng ta có cần ngành công nghiệp ô tô hay không”? vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
>>Công nghiệp ô tô – Bài 1: Chìa khóa của sự thịnh vượng
>>Công nghiệp ô tô – Bài 2: Khát vọng không thành
>>Công nghiệp ô tô – Bài 3: Mắc sai lầm liên tục, mất cơ hội phát triển
>>Công nghiệp ô tô – Bài 4: Nỗi thất vọng công nghiệp hỗ trợ
 
Công nghiệp ô tô – Bài 5: Lý do giúp ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản “nhảy vọt”

Sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản được xem là một câu chuyện “thần kỳ”

Câu chuyện “kì diệu” về sự phát triển của ngành xe hơi Nhật luôn là bài học của nhiều quốc gia. Sau thế chiến II, ngành công nghiệp ô tô Nhật bị kìm hãm bởi chính sách từ các nước thắng trận. Mãi tới năm 1952, xe hơi Nhật Bản mới bắt đầu được chú ý phát triển trở lại, chủ yếu để đáp ứng nhu cầu dịch vụ taxi.

Thế nhưng, chỉ trong thời gian ngắn ngủi từ năm 1960, ngành công nghiệp xe hơi của nước này đã tăng trưởng với tốc độ chưa từng thấy. Các tên tuổi lớn lúc này có Tokyo Kogyo (nay là Mazda), Fujijyuko, Daihatsu và Honda. Khoảng năm 1968, Toyota và Nissan tăng xuất khẩu xe hơi và xe tải hạng nhẹ. Vào năm 1975 có thêm Honda và các hãng khác tham gia xuất khẩu.

Câu hỏi đặt ra, lý do nào giúp ngành sản xuất xe hơi Nhật Bản tăng tốc chóng mặt?

Thứ nhất, đó là sự phát triển của thị trường nội địa. Nền kinh tế được vực dây sau chiến tranh giúp ngành sản xuất ô tô có cơ hội tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên các thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, tiêu thụ nội địa trở thành nhân tố quan trọng nhất cho sự vực dậy và phát triển của ngành xe hơi Nhật Bản.

Tỉ lệ sở hữu xe hơi của các gia đình ở Nhật Bản tăng đều đặn từ cuối thập niên 70. Năm 1985, 65,8% các hộ gia đình người Nhật đã có xe hơi, thậm chí tới 14,6% các hộ gia đình có từ 2 xe trở lên. Trong vòng 10 năm kể từ năm 1987, số lượng xe ôtô các loại sử dụng ở Nhật Bản tăng trung bình 2 triệu chiếc mỗi năm và đến năm 1997 tổng cộng là hơn 70 triệu chiếc.

Thứ hai, Nhật Bản đã có nền tảng vững chắc về kỹ thuật chế tạo. Không phải bắt đầu từ con số 0, ngay từ những năm 1900, người Nhật đã nắm được những kỹ thuật cơ bản nhất để chế tạo xe hơi. 

Công nghiệp ô tô – Bài 5: Lý do giúp ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản “nhảy vọt”

Chiếc xe hơi đầu tiên được sản xuất tại Nhật Bản của kĩ sư Uchiyama Komanosuke năm 1907

Năm 1907, chiếc ô tô đầu tiên của Nhật Bản ra đời là sản phẩm của kỹ sư 21 tuổi Uchiyama Komanosuke – người được coi là ông tổ của ngành ô tô Nhật. Chiếc xe có tên gọi Takuri được làm với bộ khung gầm và thân xe tự chế lắp cho một động cơ xăng 12 mã lực, 2 xi-lanh được mua từ Mỹ. Kể từ đó, những kĩ thuật càng được hoàn thiện và phát triển trước và trong Thế chiến thứ II, nơi chính phủ Nhật huy động các công ty như Toyota, Nissan hay Isuzu sản xuất xe tải để phục vụ chiến trường.

Thứ ba, không thể thiếu sự hỗ trợ của Chính phủ. Năm 1935, Luật về ngành sản xuất xe hơi được ban hành nhằm bảo hộ và ưu tiên phát triển ngành công nghiệp trong nước, chủ yếu qua ưu đãi thuế cho các hãng sản xuất trong nước và hạn chế hoạt động của các thương hiệu nước ngoài.

Theo các chuyên gia ô tô Nhật Bản, chính sách đó đã đặt nền móng cho “một trong những giai đoạn quan trọng nhất” góp phần vào vị thế dẫn đầu của các hãng xe Nhật. Tại đó, các nhà sản xuất ô tô hàng loạt bắt đầu tăng trưởng đều đặn, giúp cho việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trở thành mục tiêu hàng đầu.

Nền tảng đó giúp Nhật Bản không phải bắt đầu từ con số không sau hậu quả nặng nề của chiến tranh. Dù các cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, ngành công nghiệp ô tô may mắn ít chịu thiệt hại từ các vụ ném bom.

Vào thập niên 1950, Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Nhật Bản công bố hướng dẫn khuyến khích Nhật Bản thu hút các công nghệ sản xuất mới thông qua hợp tác với các công ty nước ngoài, như Austin, Hillman hay Renault. Chính sách mới đã phát huy hiệu quả, chỉ sau vài năm, các thương hiệu nội địa như Nissan, Isuzu hay Hino đã sớm học hỏi công nghệ để tự mình sản xuất với tỉ lệ nội địa 100%.

Công nghiệp ô tô – Bài 5: Lý do giúp ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản “nhảy vọt”

Ra đời năm 1966, Toyota Corolla trải qua nhiều phiên bản tới nay vẫn giữ ngôi vị xe bán chạy nhất mọi thời đại

“Sự phát triển hạ tầng sản xuất và tăng trưởng của ngành công nghiệp hỗ trợ và nguyên vật liệu bắt đầu từ năm 1955 là các yếu tố đóng góp quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ ngành ôtô Nhật vào nửa cuối thập niên 1960” – trang Car of Japan nhận định.

Sau năm 1962, Nhật Bản đã đạt vị trí nhà sản xuất lớn thứ 6 thế giới, và vượt qua Mỹ để trở thành nhà sản xuất số 1 vào năm 1980. Cho tới nay, ngành công nghiệp ô tô vẫn là một trụ cột có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Nhật Bản. Sản xuất ô tô chiếm tới 89% lĩnh vực sản xuất của đất nước, kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp khác như hóa chất và cao su.

Tuy nhiên, trong xu thế phát triển chóng mặt của xe điện, ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản đang vấp phải nhiều thách thức mới. Không chỉ là tính sáng tạo và công nghệ mới, các thương hiệu Nhật Bản ngày nay cũng phải đau đầu tìm cách củng cố thị phần trước sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ xe điện đến từ Mỹ hay Trung Quốc.