STT GDC được biết đến là một trong những nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu có tốc độ mở rộng nhanh nhất thế giới hiện nay.
Hợp tác này bao gồm việc tiếp tục vận hành Trung tâm dữ liệu STT VNG Ho Chi Minh City 1 (trước đây là VNG Data Center, tọa lạc tại Khu chế xuất Tân Thuận) và thành lập một Trung tâm dữ liệu mới với tên gọi STT VNG Ho Chi Minh City 2, cũng đặt tại KCX Tân Thuận và cách cơ sở đầu tiên 1,5km.
Trung tâm dữ liệu số 2 dự kiến đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2026. Có trụ sở chính tại Singapore, STT GDC hiện đang cung cấp dịch vụ colocation toàn cầu thông qua mạng lưới hơn 95 trung tâm dữ liệu, trải rộng 20 thị trường trên thế giới.
Hợp tác giữa STT GDC và VNG được kì vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, thông qua thiết lập và phát triển các trung tâm dữ liệu mới đạt tiêu chuẩn quốc tế.
STT VNG Ho Chi Minh City 1 đạt chứng chỉ Uptime Tier III về cơ sở hạ tầng, cung cấp tổng công suất điện lên đến 9,6MW. Bên cạnh đó, cơ sở này cũng đạt hàng loạt chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO 27001, ISO 27017, ISO 27018 và PCI-DSS, qua đó đạt tiêu chuẩn toàn cầu để phục vụ cho các nhu cầu đặc thù của các ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế, các trạm chuyển đổi Internet, các nhà cung cấp dịch vụ mạng trong nước và quốc tế, các nhà cung cấp mạng lưới phân phối nội dung, các nhà cung cấp máy chủ đám mây và các doanh nghiệp khác.
Được định vị là trung tâm đầu tiên tại TP.HCM có khả năng kết nối với nhiều nhà cung cấp dịch vụ mạng và viễn thông khác nhau (Carrier-neutral connectivity hub), STT VNG Ho Chi Minh City 1 cho phép khách hàng được truy cập vào dịch vụ đám mây của các đơn vị uy tín trên thị trường, các đường truyền thuê bao tại địa phương (local leased lines) cũng như cung cấp không gian phục hồi sau thảm họa (disaster recovery workspace). Khách hàng của Trung tâm có thể thiết lập kết nối trực tiếp tới sản phẩm, dịch vụ của VNGGames và VNG Cloud.
Trong khi đó, STT VNG Ho Chi Minh City 2 có khả năng cung cấp công suất điện lên đến 60MW sau khi hoàn thiện. Trung tâm dữ liệu này cũng sẽ được kết nối đến Trung tâm dữ liệu đầu tiên thông qua hạ tầng mạng đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối và mở rộng dịch vụ. STT VNG Ho Chi Minh City 2 sẽ có khả năng kết nối nguồn điện từ các trạm cao/trung thế công suất lớn trong khu vực, mạng viễn thông quan trọng, các tuyến giao thông, hậu cần, trung tâm kinh doanh và công nghiệp, cũng như có thể kết nối các tỉnh thành khác thông qua các tuyến truyền dẫn tốc độ cao liên tỉnh.
"Chúng tôi rất hào hứng khi hợp tác cùng VNG trong dự án xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. VNG có sự am hiểu sâu sắc về thị trường trong nước, tính trung lập về mạng viễn thông, mạng lưới khách hàng và đối tác rộng khắp cùng cam kết liên tục đổi mới công nghệ, điều này hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn của STT GDC. Sự kết hợp giữa năng lực vận hành toàn cầu và kinh nghiệm địa phương sẽ cung cấp các giải pháp trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ cho hành trình chuyển đổi số của Việt Nam," ông Lionel Yeo, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á, STT GDC, cho biết.
"Việt Nam là một trong những thị trường phát triển trung tâm dữ liệu nhanh nhất thế giới. Chúng tôi tin là sự hợp tác giữa 2 doanh nghiệp hàng đầu sẽ giúp phục vụ thị trường bản địa một cách linh hoạt và nhanh chóng." - ông Lionel Yeo nói thêm.
“VNG tin rằng sự hợp tác cùng STT GDC - một doanh nghiệp hàng đầu thế giới về vận hành trung tâm dữ liệu - sẽ góp phần thiết lập những tiêu chuẩn mới cho thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam; đồng thời đưa sản phẩm, dịch vụ của VNG ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ hợp tác cùng nhau để đưa công nghệ AI Cloud tới gần hơn với các doanh nghiệp trong nước và khu vực, đón đầu xu hướng then chốt của nền kinh tế số”, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG, nhấn mạnh.
Nền kinh tế số Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 20% vào năm 2025, gần gấp đôi mức tăng trưởng GDP với hệ sinh thái kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ và sự bùng nổ của thị trường Thương mại điện tử. Nhờ sự ủng hộ từ Chính phủ trong chính sách và các cam kết cải tiến hạ tầng quốc gia, cùng mức độ tiêu thụ dữ liệu và nhu cầu kết nối của người dân ngày càng gia tăng, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm kỹ thuật số nổi bật của khu vực Đông Nam Á.