Chính sách nào hỗ trợ SMEs chuyển đổi số?

Hội thảo kết nối giải pháp chuyển đổi mô hình, công nghệ cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đắk Lắk do Sở KH-ĐT Đắk Lắk phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Văn phòng đại diện tại Khánh Hòa (VCCI Khánh Hòa) tổ chức.

Tại Tây Nguyên, cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận khu vực này có 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp có nguồn lực yếu, hoạt động tự phát chưa bền vững. Đa số sử dụng công nghệ, thiết bị cũ, lạc hậu, thiếu vốn đầu tư đổi mới công nghệ. Do đó, sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, khả năng thích ứng với biến động của thị trường chưa cao.

Dò đường chuyển đổi số

Được thành lập từ 13 năm trước, đến nay Công ty TNHH MTV Quang Thành vẫn được xếp loại doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước đây mọi giao dịch xuất hoá đơn vẫn được thực hiện thủ công, nhưng đến nay doanh nghiệp này đã bắt đầu dùng hoá đơn điện tử. Đồng thời áp dụng chuyển đổi số ở một số khâu như điều hành sản xuất và nhận đơn hàng qua hạ tầng số.

So sánh với thời điểm trước khi áp dụng chuyển dổi số, ông Nguyễn Quốc Xứng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Quang Thành cho hay: “nói chung mình áp dụng chuyển đổi số thì thấy cũng thuận tiện và điều hành cũng hiệu quả hơn. Tuy nhiên thiết bị lạc hậu, cũng như marketing chưa chuyên nghiệp dẫn đến doanh nghiệp đang phải tạm dừng hoạt động vì thiếu đơn hàng”.

Với ngành nghề cơ khí xây dựng, lắp ráp cổng tự động, anh Huỳnh Ngọc Trân – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Trọng Cang lại cho biết: “sản phẩm của chúng tôi cũng được tiếp thị trên nền tảng số như Zalo, Facebook, Tiktok, tuy nhiên chúng tôi nhận được rất ít đơn hàng do người sử dụng giới thiệu. Thuận lợi nhất của chuyển đổi số là công văn đi và đến, hoá đơn, điều này giảm bớt các chi phí không đáng có cho doanh nghiệp.

Theo ghi nhận tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hoạt động chuyển đổi số thường được áp dụng là số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp, áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp cho đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp.

Quá trình số hóa mang đến cho doanh nghiệp vừa và nhỏ một môi trường kinh doanh bình đẳng. Khi đó, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ có thể tối ưu lại chi phí, thời gian và việc và hiệu suất, từ đó có thể cạnh tranh được với những tổ chức lớn, lâu đời hơn trên thị trường, mở rộng thị trường.

Từng dẫn dắt nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số, ông Hoàng Văn Ngọc – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ mới phát triển Quốc tế KTS cho biết, trong thời đại 4.0, chuyển đổi số là sự sống còn của doanh nghiệp. Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng bố trí vốn, nhân lực thực hiện chuyển đổi số để kết nối thị trường toàn cầu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, Tuy nhiên, thực trạng chuyển đổi số vẫn đang được doanh nghiệp “dò đường”, và là “ngưỡng cửa mới mẻ” với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở khu vực Tây Nguyên.

Chính sách hỗ trợ

Qua khảo sát do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với USAID thực hiện về chuyển đổi số cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn, rào cản để tiến hành chuyển đổi số. Trên 60,1% doanh nghiệp phản ánh rào cản mà họ gặp phải khi chuyển đổi số là lo ngại chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao. 52,3% tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen của doanh nghiệp, người lao động.

Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, TS. Lê Thế Phiệt – Giảng viên Khoa Kinh tế, trường Đại Học Tây Nguyên đề xuất một số chính sách, cụ thể: Một là, hoàn thiện cơ sở pháp lý Chính phủ cần xây dựng khung pháp lý đồng bộ về chính phủ điện tử như quy định về quản lý và kết nối cơ sở dữ liệu; bảo mật thông tin cá nhân; xác thực và định danh điện tử; lưu trữ điện tử,… Xây dựng khung pháp lý cho phù hợp với khu vực và toàn cầu về công nghệ số. Xây dựng các quy tắc, quy định thúc đẩy kinh doanh không dùng giấy tờ, minh bạch hóa các quy tắc và quy định về quản lý dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp.

Hai là, hỗ trợ chi phí và nguồn nhân lực nội bộ chất lượng cao: Phần lớn các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ cung cấp sự hỗ trợ tài chính và mong đợi nhận được sự hỗ trợ trong việc phát triển nguồn nhân lực trình độ cao để đáp ứng yêu cầu vận hành, sử dụng các công nghệ mới trong doanh nghiệp. Đặc biệt đối với DNNVV có quy mô nhỏ rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong lộ trình chuyển đổi số.

Ba là, hỗ trợ tư vấn các giải pháp công nghệ chuyển đổi số: Cần có chương trình đánh giá, lựa chọn những cơ sở sản xuất kinh doanh có đủ năng lực, cam kết chuyển đổi số để hỗ trợ tư vấn xây dựng lộ trình chuyển đổi số, tư vấn chiến lược, tư vấn triển khai khi sử dụng dịch vụ tư vấn của mạng lưới chuyên gia. Xây dựng các gói hỗ trợ, bao gồm các chỉ dẫn giải pháp công nghệ cho các nhóm đối tượng khác nhau chia theo quy mô, giai đoạn phát triển kinh doanh và theo lĩnh vực, ngành nghề.