Đổi mới sang mô hình D2C, Levis nhận kết quả khả quan

Levis vốn rất kiên định bán ở cửa hàng thực địa

Levi Strauss là thương hiệu quần jean nổi tiếng với tuổi đời lên đến 170 năm. Mặc dù có lịch sử lâu đời như vậy, thế nhưng họ vẫn đang tìm cách làm mới và nâng cấp bản thân để có thể thúc đẩy doanh số các mặt hàng chủ lực của mình.

Họ bắt đầu mục tiêu này bằng cách khiến khách hàng thấy họ là những người quản lý và sử dụng rất tốt dữ liệu và các mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng. Chiến lược này đã giúp Levis có được lợi thế trong việc tiếp thị sản phẩm.

Theo một bài báo trên Wall Street Journal, cụ thể thì trong năm 2022, Levis có bước thay đổi mang tính lịch sử. Họ quyết định giảm phụ thuộc vào các siêu thị và các kênh bán buôn, thay vào đó là giao dịch trực tiếp với khách hàng (direct to consumer - D2C).

Mặc dù chiến lược này không phải tin vui với Macy’s, Kohl’s hay những bên phân phối khác, thế nhưng nó đem đến lợi ích cho Levis.

Thứ nhất, với cửa hàng của riêng mình, Levis có thể tự do và tận dụng tối đa cơ sở vật chất để quảng cáo và trưng bày toàn bộ sản phẩm của mình.

Thứ hai, khi là bên giao dịch trực tiếp với khách hàng, Levis sẽ dễ dàng nắm bắt những thông tin về sở thích và tâm lý của khách, chẳng hạn khách đang thích mẫu quần jean nào, hoặc thứ nào đang bán chạy. Những dữ liệu này giúp Levis có hành động phản hồi thích hợp và hiệu quả hơn, chủ yếu về việc sản xuất hoặc trữ hàng.

Thứ ba, theo những nhà lãnh đạo của Levis, kết nối trực tiếp với khách hàng thông qua các cửa hàng online hoặc cửa hàng riêng giúp họ giảm bớt một nửa quy trình cần thiết để đưa sản phẩm từ nhà máy đến tay người tiêu dùng.

Những lợi ích này nhanh chóng được chứng minh bằng con số cụ thể. Theo Wall Street Journal, doanh số bán hàng D2C hiện tại của Levis đã đạt 48%, khá gần với con số mục tiêu 55% mà họ đặt ra cho đến năm 2027.

Không chỉ vậy, mặc dù doanh số tổng thể của Levis không đổi (hoặc giảm một chút) trong năm vừa qua, nhưng mảng D2C vẫn là điểm sáng, tăng 8% trong khoảng thời gian 3 tháng kết thúc vào 25/2.

Levis không phải là thương hiệu duy nhất chuyển sang D2C. Các nhà bán lẻ khác như Canada Goose, Deckers Outdoor hoặc Ralph Lauren đều làm tương tự. Họ xem đây là phương tiện để cải thiện khả năng thích ứng khi thị hiếu người tiêu dùng dễ thay đổi như hiện nay.

Tuy nhiên theo Wall Street Journal, con đường “D2C hóa” cũng tiềm tàng những rủi ro nhất định, chủ yếu là về chi phí kho bãi và tiền mặt bằng cửa hàng.

Bất chấp điều này, các thương hiệu vẫn chọn chiến lược D2C. Bởi vì một khi D2C thành công, họ có thể tạo ra lợi nhuận cao hơn, kiểm soát tốt hơn và hạn chế việc chỉ phân phối được những số ít mặt hàng bán chạy nhất.

Theo Oliver Chen, người đứng đầu bộ phận bán lẻ và hàng xa xỉ tại TD Cowen, cách tiếp cận D2C hoạt động hiệu quả nhất đối với những thương hiệu có thể thấu hiểu và sử dụng những chất liệu thuộc về văn hóa và đời sống của công chúng.

Với tiêu chí này, có lẽ Levis sẽ tự tin vỗ ngực khẳng định họ làm được. Liệu có thương hiệu nào được siêu sao Beyonce cho xuất hiện trong album mới của cô (bài Levii’s Jeans) và được dùng luôn bài hát ấy làm nhạc chủ đề trong cửa hàng như Levis?