Gắn kết chính quyền với doanh nghiệp

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, thường xuyên Gặp mặt, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, coi doanh nghiệp như người nhà và coi sức khỏe doanh nghiệp là sức khỏe của chính quyền. Mấy năm gần đây dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên, đối thoại doanh nghiệp đã được đặc biệt quan tâm, và có kế hoạch cụ thể của UBND tỉnh giao cho các sở ban ngành, địa phương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức đối thoại thường xuyên, cao điểm theo tháng, quý, để kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp như thủ tục hành chính, minh bạch trong tiếp cận đất đai, kiến nghị về tiếp cận vốn, giá nguyên liệu, PCCC, thuế, hải quan...

Tỉnh Thái Nguyên: Đồng hành cùng doanh nghiệp

Năm 2023, lần đầu tiên tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị đối thoại với cử tri là các doanh nghiệp trên địa bàn

Tiếp tục thực hiện đối thoại, lắng nghe doanh nghiệp. Đồng hành cùng doanh nghiệp trong triển khai Luật Quản lý thuế. Ngày 15/3/2024, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại, hỗ trợ quyết toán thuế và rà soát, tổng hợp các vướng mắc quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Hội nghị có sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị đã tập trung thảo luận về nội dung hỗ trợ, đồng hành cùng người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế năm 2023; lấy ý kiến đánh giá kết quả thực hiện, rà soát, tổng hợp những vướng mắc, bất cập về quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, cũng như những đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế.

Tỉnh Thái Nguyên: Đồng hành cùng doanh nghiệp

Đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi liên quan đến nộp thuế thu nhập cá nhân

Tại Hội nghị, đại diện Cục thuế tỉnh đã hướng dẫn doanh nghiệp các bước thực hiện kê khai quyết toán thuế năm 2023. Các doanh nghiệp đã đưa nhiều ý kiến, câu hỏi, kiến nghị, đề xuất những quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 như: Quản lý thuế đối với giao dịch liên kết; những vướng mắc, mâu thuẫn, bất cập khi thực hiện giao dịch cho vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp bị xác định là giao dịch liên kết...

Doanh nghiệp cũng đề cập đến một số bất cập là thực tế hiện nay, doanh nghiệp chiếm phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn góp của chủ sở hữu còn khiêm tốn, hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay từ ngân hàng. Nếu áp dụng theo một số quy định tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP thì đa số doanh nghiệp “vốn mỏng” sẽ bị loại bớt chi phí lãi vay khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Bởi vậy, quy định trên không phù hợp với thực tiễn và bối cảnh phát triển của doanh nghiệp Việt Nam… do chính sách thuế ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp, trong khi còn nhiều quy định và thủ tục hành chính có những cách hiểu, cách áp dụng khác nhau. Từ đó, doanh nghiệp đề nghị cần phải có hướng dẫn, giải thích và tháo gỡ kịp thời của các cơ quan thuế…

Tỉnh Thái Nguyên: Đồng hành cùng doanh nghiệp

Đại diện lãnh đạo Cục Thuế tỉnh giải đáp ý kiến của doanh nghiệp 

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, đại diện Cục Thuế tỉnh đã có những giải đáp kịp thời đến  doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những khó khăn đang vướng mắc. Đối với các ý kiến của đại biểu tại Hội nghị, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh sẽ giao cho các phòng, ban liên quan tiếp thu, tổng hợp và trả lời sớm nhất, từ đó sẽ giúp các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước về chính sách thuế.

Ngày 24/4/2024, Huyện uỷ - HĐND - UBND huyện Đại Từ tổ chức Hội nghị gặp mặt, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Đại Từ; lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh và đông đảo các doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ nhấn mạnh: Những năm qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện luôn tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, huyện cũng thường xuyên tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp, nhà đầu tư để chủ động nắm bắt tình hình, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển. Huyện Đại Từ hiện có trên 410 doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh); 76 hợp tác xã và trên 8.500 hộ kinh doanh. Năm qua, địa phương đã tiếp nhận và giải quyết 1.480 hồ sơ thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh, hợp tác xã với tổng số vốn đăng ký mới trên 600 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện có 78 doanh nghiệp được thành lập; 100% doanh nghiệp đã thực hiện khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử.

Thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng các doanh nghiệp đã khắc phục khó khăn, tìm kiếm thị trường để phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp còn tích cực đóng góp, ủng hộ các công trình phúc lợi công cộng, an sinh xã hội trên địa bàn huyện: Ủng hộ người nghèo trên 3,2 tỷ đồng; ủng hộ 8.000 tấn xi măng (trị giá khoảng 11 tỷ đồng), hỗ trợ người dân xây lại tường rào trong quá trình mở rộng đường xóm 6m; hỗ trợ 12 tỷ đồng xây dựng trường học… 

Tỉnh Thái Nguyên: Đồng hành cùng doanh nghiệp

Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã nêu ra một số nội dung cần huyện phối hợp, tạo điều kiện như: Phối hợp trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; phương án bố trí tái định cư cho người dân trong vùng triển khai dự án; việc kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm trà ở các hợp tác xã; cơ chế quản lý nhằm đảm bảo an ninh trật tự, môi trường du lịch trên địa bàn…

Sau khi nghe ý kiến của các doanh nghiệp, lãnh đạo huyện Đại Từ đã chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải; đồng thời trả lời, làm rõ một số nội dung thuộc thẩm quyền. 

Bí thư Huyện ủy Đại Từ Phạm Duy Hùng khẳng định tinh thần cầu thị, lắng nghe doanh nghiệp của huyện Đại Từ; đồng thời, cam kết thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các HTX để cùng tháo gỡ khó khăn, hướng tới mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, cải thiện mạnh mẽ môi trường thu hút đầu tư của huyện, tạo thêm động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội địa phương.  

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực Công thương

Ngày 3/5/2024, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nắm bắt về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như tiếp nhận, giải đáp những khó khăn, vướng mắc về chính sách, quy định pháp luật trong lĩnh vực ngành Công Thương.

Tỉnh Thái Nguyên: Đồng hành cùng doanh nghiệp

Đại diện lãnh đạo Sở công thương Thái Nguyên trả lời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Minh Minh

Tại Hội nghị, Ông Nguyễn Bá Chính – Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên đã trao đổi, giải đáp những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính trong việc mở rộng cụm công nghiệp Phú Lạc 2; phản ánh của một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai về nguồn điện không đảm bảo, thường xuyên mất điện; kiến nghị của doanh nghiệp FDI về việc hạn chế cắt điện phục vụ sản xuất, tránh ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện đơn hàng… Thông qua Hội nghị, Sở Công Thương cũng nắm bắt thêm về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tỉnh Thái Nguyên: Đồng hành cùng doanh nghiệp
Tỉnh Thái Nguyên: Đồng hành cùng doanh nghiệp

Đại diện các doanh nghiệp đối thoại với đại biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Minh

Đồng thời, các đại biểu cũng được phổ biến, giới thiệu những chính sách, quy định mới như: Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các kế hoạch triển khai thực hiện những quy hoạch nêu trên; các quy định mới về lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, năng lượng, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp…

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội Thái Nguyên sẽ có sự phát triển vượt bậc trong năm 2024 và trong thời gian tới.

Tỉnh Thái Nguyên với tinh thần cầu thị, luôn lắng nghe tâm tư, kiến nghị của doanh nghiệp để sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, tiếp thêm nguồn lực cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; cống hiến cho tỉnh ngày càng nhiều hơn.