- Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2024? Theo ông, thời điểm nào thì ngành dệt may Việt Nam sẽ hồi phục?

Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn cho sự phát triển. Trong năm 2023, toàn ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, giảm khoảng 9-10% so với năm 2022. Tuy nhiên, diễn biến của thị trường đã thay đổi rất nhanh. Bước sang năm 2024, riêng trong 2 tháng đầu năm, toàn ngành đã xuất khẩu được khoảng 6,2 tỷ USD, tăng trên 10% so với cùng kỳ. Dự kiến cả quý I năm nay, xuất khẩu dệt may sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD.

Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - Ảnh: Đình Đại.

Điều đó cho thấy rằng, xu hướng thị trường đã có sự tăng trưởng trở lại sau khi hàng loạt nhãn hàng quay lại đặt hàng của chúng ta. Tôi cho rằng, có một vài nguyên nhân như: Lượng hàng tồn kho trong năm 2023 của các nhà mua hàng giảm; Phương pháp mua hàng của các nhà đầu tư, các nhà sản xuất trên toàn cầu đã khác trước.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam đang trong bối cảnh hội nhập của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), những hiệp định này có tác động rất lớn và có tính toàn diện cho việc thu hút đầu tư vào phân cung thiếu hụt.

Đây cũng là một trong các giải pháp hàng năm VITAS và CP Exihibition LTD (HongKong) tổ chức hội chợ triển lãm Saigon Tex và Hanoi Tex. Hai hội chợ này là cơ hội để các nhà sản xuất dệt may tiếp cận với yêu cầu của các nhãn hàng nói riêng và các nhà sản xuất của Việt Nam nói chung. Với những lợi thế trên, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 44 tỷ USD trong năm 2024.

Về thời điểm phục hồi của ngành dệt may, tôi cho rằng, năm nay (2024) sẽ là năm phục hồi của ngành dệt may Việt Nam. Dựa vào 3 yếu tố là đơn hàng tồn kho của nhà mua hàng đã giảm; nhu cầu của người tiêu dùng đang hồi phục, kéo theo sức mua tăng; sự phục hồi nền kinh tế của các quốc gia.

- Xanh hóa đang là xu thế bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện. Để thực hiện thành công thì cần những giải pháp gì? những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình chuyển đổi xanh?

Xanh hóa hiện nay đang là một xu thế bắt buộc. Chúng ta muốn một sân chơi toàn cầu, ổn định và bền vững thì các doanh nghiệp bắt buộc phải đầu tư. Có 5 giải pháp mà VITAS luôn trao đổi với các doanh nghiệp trong quá trình triển khai chuyển đổi xanh nhằm thích ứng với các yêu cầu của các nhãn hàng trên toàn cầu.

Thứ nhất, đầu tư nhà xưởng đạt chuẩn mực;

Thứ hai là đầu tư về môi trường xanh, bao gồm cả vấn đề xanh về môi trường làm việc, xanh về chiến lược cho sự ổn định về môi trường, khí hậu nơi làm việc, xanh về việc sử dụng hệ thống nồi hơi;

Thứ ba, hầu hết các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đã đạt được các chuẩn mực về xanh hóa, chỉ có một số doanh nghiệp ở quy mô nhỏ, bị áp lực về tài chính chưa đầu tư kịp;

Thứ tư, khi đã đầu tư đạt các tiêu chuẩn về xanh rồi, thì cần phải thực hiện bước tiếp theo là mời các tổ chức quốc tế về đánh giá từng chỉ số và cấp Giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp;

Thứ năm, việc đầu tư là tất yếu thường xuyên và liên tục hàng năm chứ không riêng khi khách hàng đòi hỏi mới thực hiện.

Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn

Ông Vũ Đức Giang cho rằng, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn cho sự phát triển - Ảnh: Đình Đại.

Xu thế xanh hóa cũng như xu thế phát triển quản trị số bền vững và minh bạch là một xu thế tất yếu mà các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phải đầu tư để có được sự ổn định của các đơn hàng. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện đầu tư chuyển đổi xanh, có 2 khó khăn lớn mà các doanh nghiệp gặp phải. Trong đó, khó khăn lớn nhất là hiện nay có nhiều tổ chức đánh giá đưa ra các tiêu chuẩn khác nhau, không thống nhất. Mỗi nhãn hàng đặt ra một yêu cầu khác nhau gây khó khăn trong việc thực hiện của các doanh nghiệp. Khó khăn thứ hai là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng tài chính cho việc đầu tư còn hạn chế.

- Như ông chia sẻ, Saigon Tex là cơ hội để các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam tiếp cận với các nhãn hàng trên toàn thế giới. Theo ông, Saigon Tex sẽ tác động như thế nào đến ngành dệt may Việt Nam?

Tôi cho rằng Triển lãm Saigon Tex có 5 tác động lớn đến các doanh nghiệp cũng như toàn ngành dệt may của Việt Nam:

Một là, Saigon Tex sẽ mang đến thị trường Việt Nam những nhà sản xuất dệt may trên toàn cầu để cho các nhãn hàng lựa chọn. Bởi hiện nay, các nhà sản xuất đang sản xuất rất đa dạng các dòng sản phẩm, do đó, chỉ có hội chợ thì họ mới chưng ra được các sản phẩm có thế mạnh của mỗi nước, mỗi nhà sản xuất.

Hai là, từ hội chợ này, các nhà sản xuất thiết bị, công nghệ trên toàn cầu có cơ hội để trình bày các công nghệ quản trị số, tự động hóa dây chuyền sản xuất vào thị trường Việt Nam để các doanh nghiệp trong nước được lựa chọn, đàm phán và mua các thiết bị công nghệ đó một cách tốt nhất và phù hợp với xu thế và khả năng tài chính của từng đơn vị.

Ba là, triển lãm sẽ là cơ hội để kêu gọi đầu tư của các nhà sản xuất dệt may toàn cầu đầu tư vào Việt Nam. Kể cả những nhà sản xuất thiết bị phục vụ cho ngành công nghiệp dệt may. Đây cũng chính là sân chơi quan trọng nhằm kết nối các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư phát triển vào thị trường Việt Nam.

Bốn là, khi đầu tư vào họ có được lợi ích rất lớn, đó là họ sẽ lấy được các dòng thuế từ các Hiệp định thương mại mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết với nhiều nước trên toàn cầu. Do đó, họ sẽ tiếp tục mục tiêu chiến lược phát triển lâu dài theo xu hướng phát triển của Việt Nam.

Năm là, hội chợ này sẽ là một sân chơi để cho các nhà sản xuất nước ngoài xây dựng liên kết chuỗi với các doanh nghiệp trong nước. Tạo ra một kênh thông tin thích ứng được yêu cầu đòi hỏi của các nhãn hàng.

Trân trọng cảm ơn ông!