Theo ông Gaur Dattatreya, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Bosch Global Software Technologies, mặc dù đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian qua, đặc biệt là trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và loại bỏ các rào cản pháp lý cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp, tuy nhiên, doanh nghiệp cũng lo ngại sự thay đổi liên tục của các chính sách.

Nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị chính sách phát triển ổn định

Doanh nghiệp lo ngại sự thay đổi liên tục của cơ chế chính sách và sự chồng chéo giữa trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan chức năng.

“Sự thay đổi liên tục để hoàn thiện của các chính sách và cơ chế quản lý ở Việt Nam, kết hợp với việc chồng chéo giữa trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan chức năng, đáng tiếc có thể dẫn đến sự thiếu minh bạch và nhất quán trong các chính sách và quyết định của chính phủ”, ông Gaur Dattatreya chia sẻ.

Đồng thời nhận định điều này có thể thấy ở nhiều lĩnh vực khác nhau như ưu đầu tư, quy định nhập khẩu, cấp phép, với những hậu quả tiêu cực không thể tránh khỏi đối với cộng đồng doanh nghiệp.

“Với tư cách là một nhà đầu tư, đối tác lâu năm tại Việt Nam, Bosch rất mong muốn được hợp tác với Chính phủ để làm rõ và giải quyết triệt để những vấn đề đó”, ông Gaur Dattatreya nói.

Đồng quan điểm, ông David Whitehead, Phó Chủ tịch Auscham nhận định, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cần có những điều chỉnh tổng thể về quy trình, thủ tục cấp phép, đảm bảo quy định rõ ràng về sử dụng đất, ưu đãi thuế và cấp giấy phép lao động cũng như lược bỏ các thủ tục, quy định không cần thiết về điều kiện kinh doanh. Điều này sẽ giúp thu hút đầu tư FDI quy mô lớn vào Việt Nam, đặc biệt là vào các ngành công nghiệp mới như công nghiệp bán dẫn và chip.

Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cũng nhấn mạnh rằng quy trình phê duyệt còn chậm và thủ tục hành chính còn mất thời gian, cản trở hoặc làm chậm tiến độ các dự án của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Cũng liên quan vấn đề cơ chế, ông Minh Đỗ, Giám đốc Quốc gia Quỹ đầu tư Warburg Pincus cho rằng, điểm mấu chốt để tạo nên thành công của Việt Nam sẽ là tiếp tục duy trì và hoàn thiện các cơ chế, thể chế chính sách để góp phần vào sự phát triển, thịnh vượng và một nền tài chính toàn diện của Việt Nam.

“Tuy nhiên, việc thay đổi Luật có thể cần thời gian từ 3-5 năm.  Vì vậy, việc Ngài thủ tướng, Chính phủ cùng các bộ ban ngành đưa ra các quyết sách phù hợp, kịp thời để ứng phó với tình hình thế giới, tình hình thị trường có những thay đổi khôn lường là vô cùng quan trọng và cấp bách. Đơn cử, Chính phủ có thể xem xét tháo gỡ vấn đề huy động vốn cho các ngân hàng Việt Nam để duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cần thiết bằng cách tăng giới hạn sở hữu nước ngoài. Hay xem xét hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư cho các dự án”, ông Minh Đỗ đề xuất.

Một khía cạnh khác mà tất cả doanh nghiệp và các nhà đầu tư tương lai đều quan tâm là độ tin cậy về nguồn cung năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo. Theo Chủ tịch AmCham, mối quan hệ giữa cung-cầu điện là khá phức tạp và Chính phủ cần có cách tiếp cận phù hợp, đảm bảo hợp tác công-tư để phát triển nguồn cung ứng điện bền vững, đáng tin cậy, với giá cả phải chăng.

Nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị chính sách phát triển ổn định

Tập đoàn Nike đề xuất Chính phủ tiếp tục thúc đẩy chương trình mua bán điện trực tiếp với khách hàng.

Quy định cần phải được xây dựng cụ thể, ổn định và Chính phủ nên tập trung vào các dự án khả thi, có khả năng huy động vốn để đảm bảo nguồn cung ứng điện đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng tăng. “Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ đơn giản hóa hệ thống quy định về năng lượng tái tạo trong khi các nhà đầu tư mới sẽ nghiên cứu khả năng tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo đáng tin cậy trước khi đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi rất vui khi Chính phủ đã ban hành các quy định cụ thể về năng lượng mặt trời áp mái vào tuần trước”, ông John Rockhold nói.

Đồng thời cho rằng, để Việt Nam đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng và hiện thực hóa cam kết tại hội nghị COP26, những giải pháp quan trọng cần thực hiện bao gồm phát triển lưới điện, triển khai hợp đồng mua bán điện có khả năng thanh toán, rút gọn thủ tục phê duyệt dự án và củng cố vị thế tài chính của các công ty điện lực quốc gia. 

Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Hương Giang, Giám đốc Đối ngoại khu vực Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Tập đoàn Nike, Chính phủ gần đây đã thúc đẩy chương trình mua bán điện trực tiếp với khách hàng, và cần được tiếp tục thúc đẩy.

“Trong tương lai không xa chúng tôi sẽ được tiếp cận và tin rằng điều này không chỉ tốt cho hành tinh, tốt cho nền kinh tế và tạo xung lực mới cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam”, bà Vũ Thị Hương Giang nhấn mạnh trong đề xuất ưu tiên phát triển bền vững của Việt Nam cho mục tiêu tăng trưởng.