Đổi mới nhưng không sáng tạo

Trong tập 3 – mùa 6 của chương trình Shark Tank Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Anh và ông Trần Quyết Tiến đã đem sản phẩm Cababa của mình lên gọi vốn. Theo chia sẻ từ ông Anh, Cababa là viết tắt của “Car ba bánh” – tức một chiếc xe hơi có ba bánh.

Từ những hình ảnh ghi nhận được, có thể thấy rằng sản phẩm Cababa là một chiếc xe điện ba bánh thân hẹp có buồng lái kín và hệ thống điều hòa. Phần điều khiển xe giống vô lăng, chứ không giống tay lái xe máy.

Hai đại diện Cababa chia sẻ sản phẩm của mình được trang bị cơ chế cân bằng chủ động để khắc phục nhược điểm lớn nhất của các xe thân hẹp nói chung là dễ bị lật khi vào cua. Xe chạy bằng pin. Phiên bản xe có pin gắn liền với máy có thể chạy tối đa 200km trên một lần sạc, còn phiên bản pin rời có thể chạy tối đa 150km.

Giá bán dự kiến cho một chiếc Cababa là khoảng 100 triệu đồng.

Cababa không chỉ là ý tưởng hay mô hình, bởi công ty khởi nghiệp sáng tạo này đã cho ra đời bản MVP (Minimum Viable Product – sản phẩm khả thi tối thiểu) chạy thử nghiệm được 6 tháng.

Sản phẩm nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ các “cá mập”. Cuối cùng, Shark Hưng đồng ý đầu tư 1,8 tỷ đồng để lấy 12% cổ phần, kèm thêm 3% cổ phần tặng (free shares), khép lại thương vụ gọi vốn thành công.

Mặc dù có tên gọi nghiêng về xe hơi, phần điều khiển cũng giống vô lăng, thế nhưng về hình thức bên ngoài nói chung, Cababa giống một chiếc xe máy có gắn mui hơn.

Trên thực tế, việc một chiếc xe máy có gắn mui không phải là ý tưởng mới lạ. Nhiều hãng xe lớn trên thế giới từng đưa ra concept lẫn sản phẩm từ lâu.

Chẳng hạn các mẫu Ecomobile của công ty Peraves đến từ Thụy Sĩ. Họ đã cho ra đời dòng siêu xe 2 bánh có mui này được vài chục năm. Mặc dù có mức giá cao nhưng doanh số vẫn thu về kha khá trong mấy năm vừa qua. Chiếc xe sở hữu sức mạnh của BMW (từ động cơ 4 xilanh K-series) và hình dáng khí động học, giống hình thoi, giúp xe đạt tốc độ ấn tượng. Ngoài ra, xe còn được trang bị cơ chế tự ổn định giúp xe không bị nghiêng ngả khi đứng yên.

Hoặc BMW từng tung ra sản phẩm BMW C1, được mô tả là một chiếc xe máy có lồng an toàn kiểu xe hơi. Sản phẩm đã được kiểm nghiệm độ an toàn khi xảy ra va chạm. Ở một số quốc gia, thậm chí người dùng còn được miễn đội mũ bảo hiểm khi lái BMW C1. Mặc dù vậy, có vẻ sản phẩm này không được lòng người mua cho lắm, doanh số khá ảm đạm.

Đó là những sản phẩm đã được sản xuất thành hình thành dạng. Còn nói về concept xe máy có mui, hoặc xe hơi 3 bánh có thể kể đến Toyota i-Road (hình dạng giống xe máy có mui, 3 bánh, điều khiển bằng vô lăng), Honda Elysium (kiểu dáng mui trần, có thể xếp mui lại nếu cần, động cơ 4 xi lanh phẳng 750cc), hoặc Peugeot HYmotion 3 (động cơ điện đôi ở phía trước, động cơ đơn 125cc với công suất 20 mã lực đến bánh sau).

Mặc dù ý tưởng xe máy có gắn mui đã được phát triển từ lâu, thế nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức độ ý tưởng, concept. Đối với những sản phẩm đã được hình thành, thì việc sản xuất cũng khá hạn chế, chưa nói đến doanh số không mấy khả quan.

Những ví dụ và những tấm gương đi trước này phần nào cho thấy được con đường gian nan mà Cababa sẽ phải đối mặt trong tương lai.

Không chỉ vậy, mức giá 100 triệu mà Cababa đưa ra cũng khiến sản phẩm ít có khả năng cạnh tranh. Bởi vì ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang chào bán các sản phẩm xe máy gắn mui với giá khoảng 2.000 USD, tức tầm 50 triệu, thấp hơn một nửa so với Cababa.

Như vậy, có thể nhận định rằng trong trường hợp này, Cababa đang gặp khó đủ đường. Ý tưởng không phải mới lạ, vốn dĩ hình thành từ lâu nhưng ít người làm, có làm thì doanh số cũng không khả quan. Nguồn cung thị trường đã có sẵn hàng với giá rẻ hơn một nửa so với giá Cababa ước tính. Chưa rõ liệu Cababa có gì để vượt qua những khó khăn này.