Phòng chống HIV/AIDS: Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

00:00 - 14/07/2023

Năm 2023 Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS là “Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Phòng chống HIV/AIDS: Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

 

Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong việc đẩy lùi căn bệnh HIV/AIDS. Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn, thách thức, là rào cản trên con đường hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh này vào năm 2030 .

Tình hình lây nhiễm HIV ở Việt Nam hiện ra sao?

Tại buổi họp báo “Cộng đồng sáng tạo- Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2023″ mới đây, đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, tính đến tháng 9/2023, cả nước có 249.000 người nhiễm HIV. Tích lũy tính đến nay, số người tử vong do HIV/AIDS là 113.689 người.

249.000 người nhiễm HIV

113.689 người tử vong do HIV/AIDS

(Số liệu của Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, tính đến tháng 9/2023)

Trong số 10.219 ca mắc mới HIV, có hơn 60% được phát hiện tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh. Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) vẫn đang là nhóm lây nhiễm mạnh nhất, chiếm tới 49%.

Một số tỉnh đang ghi nhận số ca mắc tăng lên như Bạc Liêu, từ năm 2020 đến năm 2022 đã tăng liên tục. Bên cạnh đó, các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, vốn không phải là các địa bàn trọng điểm nhưng HIV lại đang gia tăng ở đây.

Tại phía Bắc, báo cáo mới nhất của Sở Y tế Hà Nội cho biết số ca nhiễm mới phát hiện đang có chiều hướng gia tăng. Cụ thể như sau:

Phòng chống HIV/AIDS: Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Thống kê số ca nhiễm HIV mới phát hiện tại Hà Nội, tính đến hết tháng 10/2023.

Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đang trong giai đoạn dịch tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao như quan hệ tình dục đồng giới nam, nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm. Nguy cơ gia tăng dịch HIV vẫn được cảnh báo.

Nguy cơ trẻ hóa, khó tiếp cận, can thiệp…

Cũng theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS, từ năm 2020 đến nay, lứa tuổi 16-29 tuổi chiếm gần 50% trong số các ca nhiễm HIV mới được ghi nhận.

50% ca nhiễm HIV mới từ 16-29 tuổi

(Số liệu của Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, tính đến tháng 9/2023)

Hành vi nguy cơ của các nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex, quan hệ tình dục tập thể…

Đây là những quần thể ẩn nên rất khó tiếp cận, khó triển khai các can thiệp cần thiết.

Theo một nghiên cứu mới nhất, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm người chuyển giới nữ cũng tăng cao. Năm 2022, tỷ lệ này ở Hà Nội là 5,8%. Tại TP Hồ Chí Minh, năm 2004, có khoảng 6,8% ở nhóm chuyển giới nữ nhiễm HIV, con số này đã tăng lên 18% vào năm 2016 và 16,5% vào năm 2020.

Bên cạnh đó, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư còn thấp, đã và đang là rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của người nhiễm HIV và các nhóm đích nguy cơ cao.

Những thành tựu đã đạt được

Thông tin trên Cổng TTĐT Chính phủ mới đây, PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) chia sẻ về một số kết quả nổi bật về phòng, chống HIV/AIDS năm 2023. Cụ thể: Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản cập nhật liên quan đến công tác phòng chống HIV/AIDS cho phù hợp với tình hình thực tế (Quy định hình thức, quy trình thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV; hướng dẫn quy trình, phương pháp giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và giám sát các bệnh lây truyền qua đường tình dục; phê duyệt Đề án duy trì và mở rộng cấp thuốc methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện và mới đây nhất là Quyết định 24/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2023 thay thế Quyết định 120/2008/QĐ-TTg về việc quy định điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp)…

Phòng chống HIV/AIDS: Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). Ảnh: Thùy Chi

Tăng cường truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS và truyền thông tạo cầu cho giới trẻ được đa dạng hóa và đạt hiệu quả cao thông qua nhiều sự kiện truyền thông trong khu công nghiệp, trường học và truyền thông đa phương tiện. Tiếp tục triển khai các hoạt động can thiệp giảm hại như phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn cho các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt tập trung nhiều cho nhóm MSM.

Xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện tại hơn 1300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 230 phòng xét nghiệm khẳng định (được mở rộng xuống tuyến huyện). Hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định HIV cũng đang được triển khai thí điểm sử dụng 3 test nhanh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 35 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Về điều trị methadone, tiếp tục duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị. Tính đến 30/9/2023, chương trình methadone đã được triển khai tại 382 cơ sở điều trị của 63 tỉnh/thành phố, điều trị cho 50.851 bệnh nhân, tính đến 20/10/2023 có 2.291 bệnh nhân được cấp phát thuốc methadone mang về nhà.

Về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), tính đến 30/9/2023, đã có 219 cơ sở PrEP triển khai cung cấp dịch vụ PrEP (nhà nước và tư nhân) tại 29 tỉnh, thành phố. Số khách hàng được tiếp cận với dịch vụ PrEP là 60.020 khách hàng (đạt 109% so với chỉ tiêu 55.000 khách hàng vào năm 2023).

Điều trị HIV/AIDS hiện có 534 cơ sở điều trị, trong đó 506 cơ sở đang điều trị thuốc ARV bảo hiểm y tế. Tính đến 14/9/2023, cả nước có 177.009 bệnh nhân đang điều trị ARV, trong đó 2.748 bệnh nhân trẻ em, 174.261 bệnh nhân người lớn. Hiện đang mở rộng điều trị ARV qua bảo hiểm y tế, phấn đấu tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus HIV dưới ngưỡng ức chế đạt 95% trở lên. Để tự chủ tài chính, đã chuyển đổi điều trị ARV từ nguồn viện trợ sang nguồn bảo hiểm y tế và huy động y tế tư nhân cung cấp các dịch vụ phòng, chống AIDS.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý và giám sát dịch HIV. Đến nay, hệ thống quản lý thông tin HIV/AIDS (HIV-INFO) phiên bản 4.0 và phần mềm quản lý điều trị PREP, ARV, cung ứng thuốc (HMED) đã được triển khai cho 63 tỉnh, thành.

Phòng chống HIV/AIDS: Còn nhiều việc phải làm!

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023, Việt Nam tập trung vào chủ đề: “Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”, việc lựa chọn chủ đề này mang nhiều ý nghĩa: Cộng đồng ở đây bao gồm các Bộ, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội đặc biệt là các nhóm cộng đồng đích gồm người nhiễm HIV và có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV như: Nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người sử dụng ma túy, người mại dâm, bạn tình của các nhóm trên.Việc lựa chọn chủ đề “Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” muốn nhắc nhở chúng ta rằng, phòng, chống HIV/AIDS cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, của cả cộng đồng và cần có những cách làm sáng tạo vì sự hiểu biết của chúng ta về HIV/AIDS đã có nhiều thay đổi, tình hình dịch HIV cũng đã có những thay đổi, cách tiếp cận cũng như can thiệp liên quan đến dự phòng, điều trị HIV/AIDS cũng đã thay đổi. Chúng ta có nhiều công cụ có hiệu quả hơn để can thiệp cũng như kiểm soát đại dịch này. Chủ đề này cũng muốn khẳng định lại quyết tâm của Việt Nam sẽ kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Phòng chống HIV/AIDS: Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2023 tại thành phố Hải Phòng. Ảnh: Cục Phòng chống HIV/AIDS

Phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2023 tại thành phố Hải Phòng ngày 25/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm nhất là để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

“Dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan, thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS”.

(Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan)

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia và Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS năm 2023, Bộ trưởng đề nghị:

Thứ nhất, các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương tiếp tục quan tâm đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS, chỉ đạo các đơn vị liên quan bám sát các mục tiêu Chiến lược quốc gia của Chính phủ để xây dựng kế hoạch hành động cho từng từng năm, từng giai đoạn và triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS một cách sáng tạo và hiệu quả.

Các địa phương cần tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Phòng chống HIV/AIDS: Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Quang cảnh Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2023 tại thành phố Hải Phòng.

Thứ hai, ngành Y tế cần tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại, điều trị HIV. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV.

Thứ ba, các tổ chức cộng đồng cần tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, sáng tạo hơn nữa vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhất là trong cung cấp các dịch vụ trực tiếp cho các nhóm đối tượng đích.

Thứ tư, các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước tiếp tục quan tâm ủng hộ cả về tài chính và kỹ thuật. Sự đồng hành và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS sẽ giúp Việt Nam tiếp cận nhanh hơn với khoa học kỹ thuật, với các sáng kiến mới, với các thực hành tốt từ đó Việt Nam có thể sớm đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Phòng chống HIV/AIDS: Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2023 tại thành phố Hải Phòng. Ảnh: Cục Phòng chống HIV/AIDS

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam thay mặt Liên Hợp Quốc tại Việt Nam bày tỏ sự trân trọng đối với những cống hiến, nỗ lực của Ủy ban quốc gia về phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm; Cục phòng, chống HIV/AIDS và các cục vụ có liên quan khác của Bộ Y tế; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Trung tâm kiểm soát bệnh tật ở các tỉnh, thành phố, và các cơ sở khám chữa bệnh; các viện, trường; và các đối tác phát triển trong đáp ứng với HIV.

“Còn nhiều khó khăn thách thức đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện và củng cố khung pháp lý cũng như phối hợp đa ngành trong phòng, chống HIV”.

(Bà Ramla Khalidi,

Trưởng Đại diện Thường trú,

Chương trình Phát triển

Liên Hợp Quốc tại Việt Nam)

Cùng nhau và với vai trò trung tâm của các tổ chức cộng đồng, tất cả chúng ta đều đã góp phần thúc đẩy Việt Nam tiến lên phía trước trong công cuộc phòng, chống HIV, hướng tới thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện và củng cố khung pháp lý cũng như phối hợp đa ngành trong phòng, chống HIV. Bà cũng thể hiện cam kết các tổ chức Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trên con đường tiến tới chấm dứt AIDS để HIV và AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng, cũng như duy trì bền vững đáp ứng quốc gia với HIV trong tương lai.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...